Trốn qua nước Trần và kết cuộc bi thảm Nam Cung Trường Vạn

Công tử Du chết, các công tử khác cùng đồng tình để công tử Ngự Thuyết tức vị - tức Tống Hoàn công. Vì có công hiến kế giúp đánh đuổi Nam Cung Trường Vạn nên Tống Hoàn công phong cho Đái Thúc Bì làm Đại phu. Những người trong ngũ tộc có công giúp ông cũng được phong làm quan Đại phu. Tiếp đó sai sứ yêu cầu nước Trần bắt Nam Cung Trường Vạn lại và giao cho nước Tống xử lý. Lúc này công tử Mục Di mới lên 5 tuổi, đứng bên cạnh Tống Hoàn công, nghe nói thế liền cười lớn:

"Không bắt được Nam Cung Trường Vạn đâu."

Tống Hoàn công liền quát:

"Mày là con nít, biết cái chi mà nói."

Công tử Mục Di nói:

"Dũng tướng như hắn thì ai mà chẳng kính trọng. Tống không trọng dụng nữa thì Trần tất dùng. Nếu không có lễ vật thì đời nào nước Trần chịu bắt Nam Cung Trường Vạn?"

Tống Hoàn công nghĩ lại, khen phải. Bèn sai sứ đem nhiều kho tàng lễ vật đến dâng cho nước Trần. Đồng thời cũng sai sứ sang Vệ yêu cầu bắt Mãnh Hoạch về. Vệ Huệ công định che giấu Mãnh Hoạch nhưng quan đại phu Công Tôn Nhĩ khuyên là đừng vì Mãnh Hoạch mà làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Vệ Huệ công cho là phải, liền sai người bắt trói Mãnh Hoạch rồi áp giải về nước Tống.

Về phần Nam Cung Trường Vạn, sứ Tống cũng đã đem rất nhiều lễ vật đến nước Trần. Trần Tuyên công tham lễ vật của nước Tống, đồng tình sẽ áp giải Nam Cung Trường Vạn về Tống, nhưng lại sợ sức mạnh của Nam Cung Trường Vạn khiến không thể bắt được nên bèn bảo với công tử Kết nói với Nam Cung Trường Vạn rằng:

"Chúa công tôi có được tướng quân thì khác nào như được mười tòa thành, dẫu nước Tống có cố xin đến đâu Chúa công tôi cũng chẳng nghe. Chúa công tôi sợ tướng quân có lòng nghi hoặc nên sai tôi tới đây tỏ tấm lòng thành cho tướng quân được tường. Nếu tướng quân có chê nước Trần tôi nhỏ mọn và muốn đến một nước lớn hơn thì cũng chả sao. Chúa công của tôi cũng sẽ chuẩn bị hành trang và xe cộ cho ngài, xin hãy cứ thư thả."

Nam Cung Trường Vạn cảm động nói:

"Chúa công đã có lòng bao dung như vậy thì tôi đây rất mến phục, xin được ở lại đây mà tận sức để đáp cái ơn nghĩa này."

Công tử Kết bày tiệc rượu đãi đằng, rồi cùng Nam Cung Trường Vạn kết nghĩa làm huynh đệ. Ngày hôm sau, Nam Cung Trường Vạn thân hành đến dinh công tử Kết để tạ ơn. Công tử Kết lại cũng bày tiệc rượu ra thiết đãi và yêu cầu các cung nữ đến dâng rượu cho Nam Cung Trường Vạn uống đến say mèm. Đợi Nam Cung Trường Vạn đã say ngủ, công tử Kết gọi bọn võ sĩ lại dùng một tấm da tê giác lớn bó Nam Cung Trường Vạn lại, bên ngoài thì dùng dây gân trâu cột lại rất chắc. Tiếp đó công tử Kết hạ lệnh bắt luôn mẹ của Nam Cung Trường Vạn rồi áp giải một lượt về Tống.

Đi đến nửa đường thì Nam Cung Trường Vạn tỉnh rượu, vùng vẫy rất dữ dội. Nhưng da tê giác bền và chặt quá nên không làm sao thoát ra ngoài được. Khi đến gần thành Tống thì tấm da tê giác bị rách, tay chân của Nam Cung Trường Vạn lòi ra ngoài. Bọn binh sĩ thấy vậy liền lấy cái vồ đập nát tay chân của Nam Cung Trường Vạn. Tống Hoàn công ra lệnh lóc thịt Nam Cung Trường Vạn và Mãnh Hoạch đem làm mắm, rồi múc cho các quan mỗi người một ít rồi bảo:

"Kẻ nào làm tôi không trọn đạo thờ vua hãy nhìn vào thứ mắm đó mà làm gương."

Mẹ của Nam Cung Trường Vạn cũng bị xử tội chết.